Văn hóa truyền thống

Về thăm thành Cổ Loa nghe kể chuyện nàng Mỹ Châu

Về thăm thành Cổ Loa nghe kể chuyện nàng Mỹ Châu - Vietflavour

Cổ Loa thành gắn liền với sự tích Mỹ Châu – Trọng Thủy mà ai ai khi còn thơ bé đều được nghe kể. Nhưng mấy ai tận mắt thấy được những chứng tích lịch sử của Tổ tiên ta từ thời khai sơn lập Quốc.

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…”
(Tâm sự – Tố Hữu)

Các câu thơ trên như in sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam gợi nhớ đến một câu chuyện tình yêu ngang trái đầy éo le của nàng Mị Châu. Từ đó, nó đã gợi lại cho người ta nhớ về thời kì đầu dựng nước của dân tộc ta gắn liền với vị vua An Dương Vương. Và rồi bất chợt, có dịp trở về ghé thăm thành Cổ Loa – kinh đô của nước Âu Lạc xưa, ta lại càng thêm ngậm ngùi và tiếc nuối: quá khứ huy hoàng, tươi đẹp đó nay còn đâu?

Về thăm thành Cổ Loa nghe kể chuyện nàng Mỹ Châu - Vietflavour

Về lại thành Cổ Loa giúp ta nhớp lại câu chuyện tình yêu ngang trái đầy éo le của nàng Mị Châu thuở đầu cha ông ta khai phá đất trời.

Thành Cổ Loa thuộc địa phận xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Nó cách trung tâm thủ đô khoảng chừng 20km về phía Đông Bắc và hiện vẫn giữ được những nét riêng vốn có – được coi như là một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và đô thị cổ dù đã trải qua gần hai thiên niên kỉ.

Xưa, thành Cổ Loa từng là là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên, bởi lẽ khi ấy vùng này  là một miền đồng bằng trù phú, có xóm làng, dân cư đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp đồng thời nó cũng là đầu mối quan trọng, có vị trí rất thuận lợi về phương diện giao thông.

Về kiến trúc, thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn và bậc nhất và cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.

Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa có tới 9 vòng thành xoáy trôn ốc, bên ngoài có hào sâu bao bọc nhưng theo khai quật khảo cổ thì hiện nay chỉ còn dấu vết của 3 vòng thành: đó là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại.

Ngoài 3 vòng thành thì ở đây còn có nhiều gò đống, đầm hồ, hào luỹ, bến sông gắn với thời An Dương Vương như Gò Vua, Gò Cột Cờ, Gò Đống Chuông, Gò Đống Bắn, Vườn Thuyền, Ao Mắm, Đầm Cả… Và còn có các dấu tích như đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa mai chắc chắn… Tất cả đều làm nên một nghệ thuật kiến trúc và nền văn hóa đặc sắc – đây chính là bằng chứng về sự sáng tạo về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

Hiện nay, ở Cổ Loa còn có các công trình như Đền Thượng, Giếng Ngọc, Đình Cổ Loa, Đền thờ An Dương Vương… mở cửa quanh năm để phục vụ khách du lịch và người dân tham quan.

Đền thờ An Dương Vương hay còn được gọi là đền Thượng, nằm ở trung tâm thành Nội – được coi là nơi mà vua Thục Phán ở trước kia. Đền Thượng mọc lên trên một gò đất hình đầu rồng, hai gò hai bên là hai cánh rừng, phía dưới có hai hố tròn là mắt rồng. Trong đền còn giữ được một số di vật như: tượng An Dương Vương bằng đồng, đúc vào năm 1897, hai con ngựa hồng – bạch làm vào năm 1716, các món đồ bằng đồng, sứ, gỗ, vải…

Phía trước đền thờ An Dương Vương có một cái hồ rộng. Đó chính là Giếng Ngọc. Tương truyền đây chính là nơi Trọng Thủy tự tử vì hối hận sau khi Mỵ Châu bị vua cha chém chết. Lại nghe đồn rằng nếu lấy nước giếng này đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần…

Khi đến đây tham quan, chắc chắn bạn sẽ bị thu hút bởi một nơi được gọi là Am Bà Chúa, tức là Am thờ Mỵ Châu hay dân làng còn gọi đây là mộ Mỵ Châu. Nó nằm phía bên trái đình Cổ Loa (điện ngự triều – nơi bá quan hội triều ngày xưa).

Đây là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa nghìn tuổi với vẻ u tịch như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cách đây hàng ngàn năm. Căn phòng trong cùng lúc nào cũng nghi ngút khói hương để thờ tượng công chúa Mỵ Châu, tượng mặc áo gấm màu đỏ, cổ đeo nhiều vòng trang sức nhưng thực ra đó chỉ là một tảng đá hình người cụt đầu mà nhân dân nghĩ rằng nó giống với hình tượng của người con gái “trái tim lầm chỗ để trên đầu”. Mỗi dịp lễ hội về, người đời thường ghé vào am, thắp cho “nàng” nén hương để bày tỏ niềm ngưỡng mộ và sự tiếc thương…

Nếu bạn yêu thích không khí lễ hội với các nghi thức tế lễ, đám rước kiệu hay những trò chơi dân gian..thì hãy ghé thăm thành Cổ Loa vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm nhé! Thời điểm đó là cư dân vùng Cổ Loa sẽ  tổ chức một lễ hội thật trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, đặc biệt là để tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương – người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.

Ngày nay, thành Cổ Loa không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo,tiến bộ ở trình độ kỹ thuật của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm mà nó còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Hãy cùng ghé thăm thành Cổ Loa để được nghe lại truyền thuyết xây thành và nhất là câu chuyện về tình yêu ngang trái thuở nào của Mỵ Châu và Trọng Thủy bạn nhé!

“Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa hình ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây…”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *