Trong danh sách các làng nghề truyền thống ở Hà Nội hiện nay, thì đây được xem là các làng nghề mang tính bản sắc lâu đời, mang hơi thở văn hóa truyền thống đậm chất Việt Nam.
Mỗi khi nhắc đến Hà Nội, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam, với những di tích đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, tháp Rùa, Văn miếu Quốc Tử Giám … Và trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà, Hà Nội hiện lên là kinh đô của nước Đại Việt, trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế.
Bởi thế không khó để tìm thấy những làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội có lịch sử lâu đời, mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam.
Bạn đọc hãy cùng Vietflavour tìm hiểu về 7 làng nghề truyền thống Hà Nội tiêu biểu nhất cho văn hóa truyền thống Việt Nam nhé!
-
Làng gốm Bát Tràng
Chắc chắn khi nhắc đến các làng nghề truyền thống ở Hà Nội thì làng gốm sứ Bát Tràng sẽ là điểm đến được nhắc đến đầu tiên. Bởi làng gốm đã trải qua lịch sử hàng trăm năm, đã tạo dựng nên những sản phẩm gốm sứ mang tính nghệ thuật cao.
Bát Tràng là một làng cổ nằm bên sông Hồng, từ xưa người dân ở đây đã sinh sống và phát triển bằng nghề gốm sứ. Nhờ kỹ thuật tạo lớp men và kỹ thuật lò nung chuẩn xác cùng với việc thổi “linh hồn” vào tác phầm mà các nghệ nhân ở đây đã khéo léo tạo nên một loại sản phẩm gốm đặc biệt hài hòa về bố cục, màu sắc thanh nhã thể hiện cho sự tinh tế của con người – chính là gốm Bát Tràng.
Ngày nay, gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn vang danh trên thế giới bởi một sản phẩm truyền thống đậm chất Việt.
-
Làng lụa Vạn Phúc
“Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông…”
Từ lâu, người ta đã biết đến lụa Hà Đông xuất xứ từ làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông – Chính là quê hương của nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ ngàn năm trước.
Tơ lụa Vạn Phúc là những mặt hàng dệt thủ công bằng tơ tằm, bền, đẹp, lại vô cùng phong phú về màu sắc, kiểu dáng. Nếu được một lần đến thăm làng nghề truyền thống của Hà Nội này, bạn sẽ được đi tham quan xưởng dệt, được tìm hiểu quy trình để tạo ra những tấm lụa mềm mịn, từ công đoạn như khâu tơ, hồ sợi, khâu dệt đến khâu nhuộm… Mỗi khâu đều phải tiến hành theo những công đoạn khá công phu thì mới cho ra đời được những sản phẩm nổi tiếng và lừng danh khắp trong nước – lụa Hà Đông.
-
Làng mây tre đan Phú Vinh
Ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội có một nơi mà nổi tiếng về nghề mây từ lâu đời – đó chính là làng Phú Vinh.
Người dân từ xưa đến nay, đều coi đất Phú Vinh là “xứ Mây”, là quê hương của mây đan với những sản phẩm mỹ nghệ bằng mây đạt tới đỉnh cao nghệ thuật tạo hình dân gian của Việt Nam. Với nhiều sản phầm vô cùng độc đáo và sáng tạo như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây…
Đến đây, bạn sẽ bắt gặp không khí vô cùng nhộn nhịp của một làng nghề: nhà nào nhà nấy cũng đều làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến trẻ nhỏ… Cái nghề ấy cứ được “cha truyền con nối” thì hi vọng rằng nó sẽ không bao giờ bị phai nhạt mà càng ngày càng phát triển hơn nữa để mọi người luôn được thấy những sản phẩm làm từ mây tre đan khéo léo mang nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
-
Làng quạt Chàng Sơn
Nhắc đến nghề làm quạt giấy truyền thống, người ta thường nói đến làng Kẻ Vác huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nhưng còn một làng nghề cũng chuyên làm quạt giấy nổi tiếng không kém, đó là làng quạt Chàng Sơn ở huyện Thạch Thất.
Quạt làng Chàng Sơn là sản phẩm nổi tiếng với sự tinh xảo và sáng tạo, có lịch sử cách đây tầm 200 năm. Và việc quạt Chàng Sơn từng được đem đi triển lãm ở thủ đô Paris, nước Pháp cũng đủ nói lên hết được giá trị rất lớn trong những chiếc quạt trông rất tầm thường này.
Có dịp mục sở thị làng quạt dấy Chàng Sơn, bạn sẽ được tìm hiểu các quy trình sản xuất các loại quạt như quạt giấy, quạt the, quạt lượng,… và cả quạt tranh để hiểu hơn về nghề thủ công truyền thống mang trong mình cả bản sắc văn hóa Việt.
-
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá
Ai đã từng có tuổi thơ ở vùng quê chắc hẳn sẽ không quên được những cánh chuồn chuồn chao liệng. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” – Câu tục ngữ ấy không biết từ bao giờ đã trở thành “dự báo thời tiết” thân thương của trẻ con sau lũy tre làng.
Và trong ký ức về tuổi thơ của rất, rất nhiều thế hệ lớn lên nơi phố thị Kinh kỳ sẽ không thể nào quên đi những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc. Nó đã thực sự lôi cuốn tất cả đám trẻ con khi được sở hữu.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại, đã làm thay đổi nhiều ở cách chơi của đám trẻ con, với đủ biết bao nhiêu là loại đồ chơi hiện đại. Xa rồi những cánh chuồn chuồn xưa, nhưng vẫn còn đâu đó, những chú chuồn chuồn tre Thạch Xá vẫn âm thầm được lưu giữ những gì thuộc về kỷ niệm của tuổi thơ.
Làng Thạch Xá nằm ở dưới chân núi Tây Phương, không chỉ nổi tiếng với món đặc sản chè Lam cực kỳ ngon mà còn được biết đến với nghề làm chuồn chuồn tre vô cùng độc đáo. Sản phẩm đó chính là những chú chuồn chuồn được làm bằng tre. Sau khi được phủ một lớp sơn màu, vẽ hình ngộ nghĩnh có thể tự giữ thăng bằng và bay rất xa, như một món quà lưu niệm, đồ chơi của đám trẻ con.
Những cánh chuồn chuồn mỏng manh, mộc mạc biểu tượng cho sự yên bình của làng quê Việt Nam như một điều gì đó luôn thu hút và hấp dẫn người nước ngoài. Vì vậy, nếu muốn trở về tuổi ấu thơ hồn nhiên, vô tư, nghịch ngợm, hay muốn cho con cái có một tuổi thơ yên bình để chúng vừa có thể chơi, vừa có thể cảm nhận được hơi thở truyền thống, hãy một lần mua tặng chúng những cánh chuồn chuồn tre nhé!
-
Làng nón Chuông
Từ bao đời nay, hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc đã trở thành một trong những biểu tượng in đậm trong tâm thức của đất nước và con người Việt Nam. Khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đều có những vùng làm nón lá mang những nét đẹp và sắc thái riêng biệt. Và nón lá bền đẹp nức tiềng ở vùng Bắc Bộ chính là nón lá của làng Chuông, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng đến làng Chuông vẫn dễ dàng nhận thấy dáng dấp của một làng cổ có truyền thống với những mảnh sân phơi đầy nón trắng hay nguyên liệu làm nón. Trong làng, nhà nào cũng biết làm nón, từ người già cho đến trẻ em, họ tranh thủ những lúc nông nhàn để làm. Nhờ những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ ấy đã cho ra đời những chiếc nón vô cùng độc đáo, mang đặc trưng rất riêng của Việt Nam.
-
Làng thêu Quất Động
Dù làng nghề thêu tay Quất Động không phải là làng thêu duy nhất của Việt Nam, nhưng ngôi làng ấy lại là làng thêu thủ công có lịch sử lâu đời, đạt đến trình độ tinh xảo, điêu luyện, vang danh khắp vùng Kinh Bắc từ xưa đến nay.
Làng thuộc địa phận xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội – đây là một ngôi làng cổ nằm ven quốc lộ 1A, cách trung tâm thủ đô hơn 20km về phía Nam. Từ thế kỷ 17 làng Quất Động đã có nghề thêu, những nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo của mình đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động tô đẹp cho đời.
Chỉ bằng một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải mà đã biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt. Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính dân gian, nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem tình yêu đối với non sông gấm vóc.
Do đó, hàng thêu Quất Động đã từng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, hiện nay vẫn thu hút được du khách, chiếm được nhiều cảm tình của khách hàng trong và ngoài nước.
Từ khóa: danh sách các làng nghề truyền thống ở Hà Nội, nghề thủ công truyền thống ở Nà Nội, các làng nghề truyền thống ở Hà Nội, các làng nghề truyền thống quanh Hà Nội, làng nghề truyền thống Hà Tây
rất hay
Thông tin bổ ích