Đặc sản Việt Nam

5 món ngon Bình Định dễ làm say lòng người

Tổng hợp đặc sản Bình Định: Nem chợ Huyện - Vietflavour

Bánh ít lá gai, nem chợ Huyện,… một trong các món ngon Bình Định dễ làm say lòng người bởi hương vị rất riêng của tình người “xứ Nẫu”.

“…Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang,
Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát.
Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát.
Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm…”

Cùng với Hà Tĩnh, Bình Định đã đi vào những vần thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu thật êm đềm, mượt mà và ngọt ngào biết bao. Mảnh đất võ trời văn ấy, không chỉ hấp dẫn, thu hút du khách với nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ bậc nhất – Những bãi biển cát trắng trải dài, hàng dừa xanh thẳng tắp và những cánh đồng lúa rộng thênh thang, mà còn nổi tiếng với việc sở hữu nhiều món ngon đặc sản mà bạn không thể bỏ lỡ nếu có dịp dừng chân và ghé thăm miền đất võ.

Bánh ít lá gai Quy Nhơn

Tổng hợp đặc sản Bình Định: Bánh ít lá gai - Món ngon Bình Định dễ làm say lòng người - Vietflavour

Bánh ít la gai Quy Nhơn – Món ngon Bình Định dễ làm say lòng người

Đây là một trong những loại bánh  được coi là đặc sản của xứ Nẫu – Bình Định và những người con của quê hương ấy không thể không biết đến thứ bánh này. Nguyên liệu chính để làm bánh là  bột nếp và lá gai, bên trong có nhân bánh được làm từ đậu xanh với dừa. Tất cả được gói trong những chiếc lá chuối chát tươi, nhìn bánh mới xanh và đẹp làm sao!

Khi thưởng thức, bánh rất mềm dẻo và không dính răng, lại có hương vị làm say lòng người. Ngoạm một miếng, vị ngọt của đường, vị thơm của bột nếp, dừa ,vị béo của dầu, vị bùi của đậu và đâu đó hương cay nồng của gừng trên đầu lưỡi tạo ra một cảm giác khoái khẩu rất riêng.

Nhìn hình dạng bánh tuy mộc mạc, chân chất, uy hùng như ngọn tháp, nhưng bánh ít lá gai Quy Nhơn Bình Định lại là món bánh “vinh dự” luôn được đồng hành trong các dịp lễ Tết, cưới và các nghi lễ quan trọng của người dân địa phương.

Nem chợ Huyện Bình Định

Tổng hợp đặc sản Bình Định: Nem chợ Huyện - Vietflavour

Nem chợ Huyện Quy Nhơn vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn; đủ các vị mặn, ngọt dễ làm say lòng người!

Không mềm như nem Thủ Đức, cũng không có vị chua như nem Huế hay vị ngọt như nem Lai Vung (Đồng Tháp). Mà nó có vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, vị thơm béo. Đặc biệt, ăn nem phải kèm với nước chấm, ngon nhất là nước mắm ngon pha loãng với đậu phộng.

Nem chợ Huyện Quy Nhơn vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn; đủ các vị mặn, ngọt… nên dẫu ăn nhiều cũng không ngán. Không những vậy, nó còn được coi là một thứ quà thấm đẫm chất quê theo chân du khách lan tỏa đi khắp mọi nơi.

Ai có dịp ghé Bình Định cũng đều tranh thủ mua một vài xâu nem mang theo làm quà tặng. Nếu bạn chưa một lần thưởng thức nem chợ Huyện Bình Định, còn chần chừ gì nữa mà không về miền “đất võ” này một lần để nếm thử vị ngon không thể quên của món này.

Nồng nàn rượu Bầu Đá

Tổng hợp đặc sản Bình Định: Rượu bầu đá - Vietflavour

Nếu như ở miền Bắc có rượu Kim Sơn – Đặc sản nổi tiếng xứ Hoa Lư, là một danh tửu nằm trong top 5 quốc tửu của Việt Nam, hay ở miền Nam có rượu đế Gò Đen, Long An nổi tiếng được coi là “đệ nhất tửu”. Thì ở vùng đất miền Trung này, cũng có một loại rượu đã từng được thi sĩ Tản Đà xứng tụng là “đệ nhị danh tửu”, Đó chính là rượu Bầu Đá Bình Định.

Đây là một sản phẩm truyền thống của Bình Định đã nổi tiếng từ lâu. Rượu được nấu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và rất công phu nên có những nét đặc trưng riêng.

Khi rót rượu ra ly nếu thấy rượu sủi bọt nhỏ li ti thì đó chính là rượu Bàu Đá chính gốc, chưa uống đã thấy nồng nàn hương vị, làm một hai ly thì có cảm giác chếnh choáng… dễ làm say lòng người. Nó có hương vị rất đặc biệt, nếu uống điều độ thì sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu và chữa trị được một số loại bệnh, làm cho cơ thể khỏe mạnh và cường tráng hơn.

Nhờ đó mà ngày xưa, rượu Bầu Ðá (hay bị gọi nhầm là bàu đá) đã trở thành một thứ “ngự tửu” được dùng để tiến vua và cũng là loại rượu thường được dùng trong các buổi yến tiệc của vua chúa…

Trải qua bao thăng trầm của thời gian nhưng hương vị có một không hai của rượu Bầu Đá vẫn được mọi người ưa chuộng và nó đã làm nên cái thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Nhắc đến rượu Bàu Đá, người ta luôn thấy thân quen, chưa uống đã say, uống một lần rồi ghiền, rồi nhớ mãi hương vị nồng nàn đặc trưng.

Bún chả cá Quy Nhơn

Tổng hợp đặc sản Bình Định: Bún chả cá Quy Nhơn - Vietflavour

Không biết từ bao giờ, bún chả cá Quy Nhơn đã trở thành món ăn mang biểu tượng tinh hoa của xứ biển nhiều nắng lắm gió này

Có thể nói, thiên nhiên đã quá ưu ái khi ban tặng cho các tỉnh vùng Nam Trung Bộ đều có đường bờ biển dài và đẹp, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Nhờ đó, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều món đặc sản hải sản có một không hai.

Nhưng so với bún chả cá Nha Trang hay bún chả cá Đà Nẵng thì bún chả cá Quy Nhơn có phần khác lạ, đặc biệt hơn. Bởi nước lèo của món này không phải được nấu từ xương heo, xương bò mà được nấu từ cá thu, cá cờ nên vị ngọt của nước mang đậm chất hải sản và trong tô bún, luôn luôn có hai loại chả cá đó là chả cá hấp và chả cá chiên. Bên cạnh đó, khi ăn thì phải có đủ một số loại rau sống, từ rau cần, diếp cá đến rau húng, giá đỗ, lá bạc hà. Khi đó mới có cảm giác ngon miệng, đậm đà hương vị dân dã đồng quê và có một chút nồng nàn của vị biển.

Không biết từ bao giờ, bún chả cá Quy Nhơn đã trở thành món ăn mang biểu tượng tinh hoa của xứ biển nhiều nắng lắm gió này. Người ta thường nói với nhau rằng: Nếu có dịp ghé thăm hay dừng chân ở miền đất võ, hãy ăn tô bún chả cá Quy Nhơn một lần, để không nguôi nhớ thương, tiếc nuối và thổn thức.

Bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn

Tổng hợp đặc sản Bình Định: Bánh xèo tôm nhảy - Vietflavour

Chao ôi! Cái ngọt của tôm, cái giòn của gạo, chút chua, chát của xoài… Tất cả quyện lại – ấy đã là một phẩm vị.

Nghe tên bánh đã thấy quen bởi lẽ bánh xèo ở nơi đâu chả có nhưng bánh xèo tôm nhảy ở Bình Định mới nghe lần đầu thì thấy thật là lạ, thật đặc biệt và có chút thú vị.

Bánh được làm từ tinh bột gạo nguyên chất có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa, kèm theo là những con tôm nhỏ nhưng chắc thịt. Đặt khuôn dầu nóng lên bếp, đổ bột  rồi cho tôm vẫn còn sống vào khiến chúng cứ nhảy tách tách. Có lẽ chính vì thế, người ta mới gọi là bánh xèo tôm nhảy.

Mỗi cái bánh nhỏ như lòng bàn tay, vàng ươm vừa ra lò, có khoảng chục con tôm tròn mẩy, chín đỏ au nổi lên trên mặt bánh trông đầy hấp dẫn và cuốn hút. Ăn kèm với nó là chén nước mắm được giã đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường, pha chế hấp dẫn để hương vị càng thêm nồng đượm.

Chính miếng bánh tráng mỏng gói bên trong là chiếc bánh xèo có nhân tôm vừa mới chiên, thêm một chút rau mầm, vài sợi xoài chua đem chấm vào bát nước mắm tỏi ớt đậm vị, đã làm nên món bánh xèo tôm nhảy dân dã ngon đến bất ngờ của miền đất võ Bình Định. Chao ôi! Cái ngọt của tôm, cái giòn của gạo, chút chua, chát của xoài… Tất cả quyện lại – ấy đã là một phẩm vị.

Bánh xèo tôm nhảy tuy là món bánh dân dã của Qui Nhơn nhưng tuyệt ngon, được rất nhiều người yêu thích. Bất cứ du khách nào khi đặt chân đến thành phố Quy Nhơn đều thèm có được một miếng bánh xèo nóng hổi, giòn giòn, cay cay, và mang đậm nét đặc trưng của đất và người dân nơi đây. Còn bạn thì sao?

Ngoài những món ở trên thì Bình Định còn có rất nhiều món ngon được coi là đặc sản như bánh hỏi Diêu Trì, bánh tráng nước dừa, bún song thằn, cua huỳnh đế, gié bò…Tất cả đều nổi tiếng và có hương vị thật đặc biệt.

Nếu có thể ăn món bánh xèo tôm nhảy nóng hổi trong một ngày mưa, nhâm nhi ly rượu Bàu Đá để rồi “À” lên một tiếng: Đất Bình Định là đây, miền đất võ đây mà – Quê hương anh hùng áo vải cờ đào để thấy tình yêu quê hương đất nước dạt dào hơn cả.

Ảnh: Internet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *