Núi Tà Cú ở Bình Thuận là một quần thể du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, nơi có bức tượng Phật niết bàn lớn nhất châu Á. Sẽ là điểm dừng chân lý thú trên hành trình về với Bình Thuận – Về với nắng gió, cát, và những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp.
Nhắc đến Bình Thuận, người ta sẽ nghĩ ngay đến Mũi Né – một trong những bãi biển đẹp và nổi tiếng nhất nước ta. Nhưng ở đó không chỉ có biển mà còn rất nhiều nguồn tiềm năng du lịch khác như núi, đồi cát…
Vì thế, nếu du lịch Phan Thiết – Mũi Né Bình Thuận mà không ghé qua khu du lịch núi Tà Cú – Một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thì sẽ là một thiếu sót lớn.
Núi Tà Cú cao 649m thuộc Thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 30km về phía nam.
Từ lâu, ngọn núi này đã được xem là kì quan ở khu vực phía nam Bình Thuận. Đây là một dãy núi trẻ, án ngữ về phía đông là Quốc lộ 1A. Xưa kia, núi Tà Cú là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur. Trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc… rất tốt để chữa một số bệnh.
Khám phá chùa núi Tà Cú
Trên núi Tà Cú có hai ngôi chùa, khi chúng ta từ dưới đi lên sẽ bắt gặp chùa Dưới hay chùa Long Đoàn. Leo lên tiếp sẽ gặp chùa Trên hay chùa Linh Sơn Trường Thọ, mà người dân quen gọi là chùa Núi Tà Cú hay chùa Núi.
Lịch sử chùa Núi Tà Cú có từ năm 1872 của thế kỷ 19, cái tên Linh Sơn Trường Thọ là tên được vua Tự Đức ban cho. Xây dựng trên điểm lưng chừng núi. Điểm nhấn khi lên tới chùa Núi là nhóm tượng Di đà Tam tôn tọa trên đài sen, ở giữa là tượng Phật A Di Đà cao 7 mét. Hai bên là tượng Quán thế Âm và Đại Thế Chí cao 6,5 mét. Trước điện thờ là Tháp mộ Tổ và một bên là một cọp.
Hang tổ núi Tà Cú là nơi mà Tổ sư sáng lập chùa đã tu và viên tịch. Đi lên nữa, chúng ta sẽ bắt gặp bức tượng đức Phật Thích Ca niết bàn dài 49m thuộc loại lớn nhất châu Á. Công trình kiến trúc được thiết kế một cách hài hòa dưới thảm rừng tự nhiên. Phong cảnh thiên nhiên dường như đã tô điểm thêm tạo nên mĩ quan của toàn bộ công trình đó.
Cáp treo núi Tà Cú có thể đưa bạn lên thẳng trên chùa Linh Sơn Trường Thọ nếu bạn không mốn bỏ công leo núi.
Vãn cảnh đẹp núi Tà Cú
Đường lên núi tuy khó khăn, trắc trở nhưng sắc màu tươi mát và hương vị ngọt ngào. Âm thanh chốn rừng du dương, mây mờ huyền ảo, cảnh vật nên thơ sẽ làm bạn quên đi mệt nhóc, lòng tràn ngập hưng phấn khi đến viếng cảnh chùa.
Toàn bộ cảnh chùa nằm trên một thung lũng. Nhìn từ phía Bắc, Đông Tây đều là núi đá và rừng cây ngút ngàn, tạo nên địa thế thiên nhiên hùng vĩ…
Đêm về, khi cảnh vật chìm sâu vào yên lặng, từ trên núi nhìn ra biển Đông ta thấy một rừng đèn câu nhấp nháy làm cho thành phố trở nên bồng bềnh, huyền ảo. Ngọn hải đăng trên núi Khe Gà tỏa sáng, định hướng cho một vùng biển mênh mông.
Buổi sáng, khi nắng ban mai rực rỡ dưới đồng bằng thì chùa núi vẫn còn đắm mình trong sương mù. Ở nơi đây, cây cối rất phong phú và đa dạng. Nhiều loại như dừa, cam, mít, cau, bưởi, thanh long… quanh năm sai trái và có vị ngọt thanh hơn loại quả ở dưới đồng bằng.
Quanh sân chùa và tượng Phật, hàng trăm chậu kiểng trồng đủ loại hoa và cây cảnh quanh năm thay đổi màu sắc. Đặc biệt, khí hậu nơi đây rất thích hợp cho các loài hoa cúc, hồng, huệ, bất tử. Ngắm màu sắc hoa và cây cảnh đa dạng ở chùa núi, du khách cứ ngỡ mình đang du ngoạn ở xứ hoa Đà Lạt.
Trên núi Tà Cú còn có hoa rừng rất phong phú, phong lan, địa lan, dạ lan đua nhau cho hương sắc bốn mùa. Xuân đến mai vàng nở khắp cả cánh rừng. Đặc sắc nhất là giống mai có 12 tầng 6 cánh.
Đất rừng Tà cú còn nuôi sống nhiều loại gỗ quý hiếm: giáng hương, cẩm lai, gõ, sến, xà cừ, căm xe, căm liên bằng lăng. Và nhiều loại thú như nai, kỳ đà, rắn, khỉ… ẩn mình sinh sống nơi rừng núi nguyên sinh này.
Mỗi lần du khách đến đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng với cảm giác như đang bồng bềnh trên bồng lai tiên cảnh, bên hành trình về với nắng, gió, cát và những bãi biển dài tuyệt đẹp.